Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng tháng 9 năm 2024 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích đang nuôi là 5.623,8 ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là 1.857,4 ha chiếm 33%; nuôi nước mặn, lợ là 3.766,4 ha, chiếm 67%; nuôi quảng canh là 527,7 ha chiếm 9,4 %; nuôi quảng canh cải tiến là 4.483,1 ha, chiếm 79,7%; nuôi bán thâm canh 145 ha chiếm 2,6 %; nuôi thâm canh 468 ha chiếm 8,3%.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 9 năm 2024 tiếp tục giảm so với năm 2023. Tuy nhiên, diện tích giảm chủ yếu ở hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến (năng suất thấp), diện tích nuôi thâm canh (năng suất cao) tăng lên. Do đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn tăng so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 9 ước đạt 1.974 tấn, tăng 58 tấn, tương đương 3,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng tăng ở đối tượng tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt và thủy sản khác (hàu). Do nhu cầu về hàu thương phẩm ngày càng tăng cao để phục vụ cho khách du lịch tại một số địa phương ven biển nên người nuôi chuyển đổi từ nuôi cá lồng bè sang nuôi hàu Thái Bình Dương.
Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31 ha, tăng 17,15 ha so với cùng kỳ. Trong đó, gồm có 21 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 417,31 ha. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín với mật độ nuôi 250 - 500con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ. Môi trường nước ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt nên các cơ sở nuôi tôm từ 3 - 4 vụ/năm.
Bên cạnh đó, có 02 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ của Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam - Chi nhánh 1 tại Vũng Tàu với tổng diện tích 12 ha. Công ty nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Thái Lan để cho sinh sản nhân tạo; đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra ngoài môi trường; quy trình sản xuất tại công ty được chứng nhận theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP.
|
Về tái tạo nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tổ chức thả giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu; xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc với tổng số lượng con giống là 1.157.000 con. Trong đó, giống thủy sản nước mặn, lợ: Tôm sú 1.060.000 con, kích cỡ Postlarvae 15; cá chẽm 4.000 con, kích cỡ 10 cm; cá chim vây vàng 3.000 con, kích cỡ 10 cm/con. Giống thủy sản nước ngọt: Cá trắm cỏ 60.000 con, kích cỡ 10 cm/con; cá chép 10.000 con, kích cỡ 10 cm/con; cá trê 60 kg (tương đương khoảng 10.000 con), kích cỡ 10 cm/con; cá rô đồng 60 kg (tương đương khoảng 10.000 con), kích cỡ 10 cm/con.
Trong Qúy 4 năm 2024, Chi cục Thủy sản tiếp tục kiểm tra duy trì điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật thuỷ sản tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường khuyến khích các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh, chuyển đổi hình thức nuôi sang thâm canh, siêu thâm canh, thúc đẩy sản lượng tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao; có biện pháp quản lý và duy trì toàn bộ hoạt động nuôi trồng các đối tượng nuôi còn lại như tôm sú, cá nước ngọt, cá nước mặn, thủy sản khác,... đảm bảo phát triển ổn định.
Mặt khác, thực hiện công tác quan trắc và cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tập trung định kỳ hàng tháng để khuyến cáo các biện pháp xử lý nước đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào nuôi; tiếp tục thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phục vụ truy xuất nguồn gốc; vận động người nuôi áp dụng các quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) và tương đương để phát triển nuôi bền vững.
Tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi có tiềm lực kinh tế xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ trong nuôi tôm, thủy sản lồng bè; tuyên truyền, vận động các cơ sở nuôi hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác để dễ dàng chuyển giao và nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ, các kỹ thuật nuôi mới và dễ dàng liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Thủy